Nhân sự thuê ngoài là dịch vụ đang được sử dụng như một giải pháp quản trị nhân sự hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp (DN). Đó là một DN (bên A) thuê một DN cung cấp dịch vụ nhân sự thuê ngoài (bên B) thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc liên quan đến việc quản lý nhân sự của DN bên A. Trong đó, nhân sự thuê ngoài sẽ làm các đầu mục công việc giống như nhân viên của DN bên A, với các tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng được bảo đảm bằng những điều kiện ràng buộc trong hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Phát triển nhanh
Hội thảo về nhân sự thuê ngoài vừa được Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet) tổ chức tại TP HCM, cho thấy năm 2021, các DN Việt Nam đã chi đến 2 tỉ USD cho các dịch vụ thuê ngoài quy trình DN, trong đó phần lớn là chi cho nhân sự thuê ngoài. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang có mức chi trung bình cho dịch vụ này cao hơn Malaysia (1,6 tỉ USD), chỉ đứng sau Indonesia (2,2 tỉ USD).
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet, cho biết khi các chiến lược nhân sự dần trở thành trọng yếu trong phát triển của DN, thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ nhân sự thuê ngoài càng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch dài hạn thay vì chỉ là giải pháp đơn thuần. “Khi chúng ta xây dựng một cộng đồng luôn tiến về phía trước, DN của mình chắc chắn không thể ở lại phía sau” – bà Trinh khẳng định. Theo bà Trinh, trên thế giới, mô hình nhân sự thuê ngoài đã tăng trưởng 5%-7% trong thời gian vừa qua, tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực cơ khí, tài chính, công nghệ và dịch vụ bán lẻ. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đang được DN ưa chuộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng những lợi ích của nhân sự thuê ngoài là rất lớn, giúp DN tiết kiệm chi phí vận hành, cải thiện các quy trình quản trị nhân sự, gia tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu kỹ thuật số, hiệu suất công việc. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, nhân sự thuê ngoài đã giúp DN cải thiện rõ rệt khả năng phục hồi và mở rộng hoạt động.
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết để tối ưu hóa khả năng của 150.000 nhân sự khắp toàn cầu, Microsoft chọn sử dụng nhân sự thuê ngoài cho rất nhiều phòng ban như: sales và marketing, kế toán, quản lý văn phòng, hỗ trợ công nghệ thông tin nội bộ, dịch vụ khách hàng, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác… “Chúng tôi xây dựng một chính sách cho nhân sự thuê ngoài, bao gồm hệ thống định nghĩa, quy trình và trách nhiệm chặt chẽ, được áp dụng xuyên suốt. Đồng thời ứng dụng công nghệ vào quá trình sử dụng dịch vụ nhân sự thuê ngoài để tối ưu hóa dịch vụ này” – bà Trâm nói.
Sử dụng nhân sự thuê ngoài giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí
Tiềm ẩn rủi ro
Cú hích phát triển nhân sự thuê ngoài không thể không nhắc đến một lực lượng chiếm tỉ trọng lớn, đó là những lao động trẻ thuộc gen Z đang tham gia ngày một đông vào thị trường lao động.
Theo bà Lương Tú Anh, Giám đốc Công ty CP BPO Mắt Bão, là thế hệ sinh ra trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, gen Z là những lao động trẻ có kỹ năng công nghệ rất tốt và đáp ứng được yêu cầu của các dịch vụ nhân sự thuê ngoài. Bởi họ có thể cùng lúc làm nhiều công việc, giỏi ngoại ngữ, thích nghi nhanh, làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, bà Tú Anh cũng cho hay nhóm nhân sự thuê ngoài thuộc thế hệ gen Z luôn đòi hỏi mức lương cạnh tranh hơn, muốn được độc lập trong công việc. Nhưng họ làm việc rất có trách nhiệm và hiệu quả.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Sơn AkzoNobel Việt Nam, chỉ ra một số điểm hạn chế của mô hình nhân sự thuê ngoài mà DN phải đối diện. Đó là tỉ lệ nghỉ việc của họ cao hơn gấp đôi so với nhân sự nội bộ. Khi gặp sự cố với dịch vụ thuê ngoài, DN vừa phải giải quyết song song với cả người lao động và cả đơn vị cung cấp dịch vụ. Đồng thời, DN cũng có thể gặp rủi ro nếu năng lực của nhóm nhân sự thuê ngoài không đủ chất lượng.
Để “giữ chân” nhân sự thuê ngoài, bà Hương lưu ý các DN sử dụng dịch vụ này cần ưu tiên trao vị trí chính thức cho nhân viên thuê ngoài (có trao đổi và thống nhất với đơn vị cung cấp) nếu đạt được những tiêu chí cụ thể. DN cũng cần phối hợp với tổ chức Công đoàn để cung cấp nhiều quyền lợi hơn cho đội ngũ thuê ngoài, từ đó cân bằng phúc lợi với nhóm nhân viên nội bộ.
Theo NLĐ