Người dân mua sắm tại một khu chợ ở thủ đô Lima của Peru. (Ảnh: Bloomberg) |
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) mới đây dự báo, khu vực này sẽ khép lại năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế thấp, chỉ 2,2%, và sẽ tiếp tục thấp trong năm 2024.
Các nước Mỹ Latin đã phải chi một khoản tiền lớn để thanh toán nợ nước ngoài, khiến nguồn lực dùng để giải quyết tình trạng nghèo đói và các nhu cầu quan trọng khác như y tế và giáo dục giảm mạnh. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tỷ lệ đói ăn tại Mỹ Latin trong năm 2022 vẫn cao hơn 0,9% so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng nổ dịch Covid-19. Một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các nước Mỹ Latin vẫn nỗ lực khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, tìm cách ổn định tình hình kinh tế-xã hội thông qua việc mở rộng hợp tác với các đối tác. Năm 2023 chứng kiến sự kết nối chặt chẽ giữa Mỹ Latin và Liên minh châu Âu (EU), một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại khu vực. Hội nghị cấp cao EU và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vào tháng 7/2023 đã thành công tốt đẹp, với nhiều thỏa thuận thương mại được hai bên ký. EU cam kết đầu tư hơn 45 tỷ euro vào khu vực với mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và tạo ra chuỗi giá trị tại địa phương. EU cũng ký một loạt bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng với Argentina và Uruguay; thiết lập quan hệ đối tác về chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững với Chile.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, hội nghị cấp cao EU-CELAC trong năm 2023 giống như “một khởi đầu mới giữa những người bạn cũ”; hiện tại là thời điểm có nhiều thay đổi địa chính trị, EU và các đối tác Mỹ Latin và Caribe cần xích lại gần nhau hơn. Trên thực tế, giữa hai bên còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt liên quan các chương trình nghị sự quốc tế, EU và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cũng chưa thể giải quyết bất đồng để ký thỏa thuận thương mại tự do. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, những cam kết hợp tác đạt được giữa EU và khu vực Mỹ Latin và Caribe đã mở rộng không gian kết nối giữa hai bên nhằm cùng nhau đối phó thách thức chung. Ngoài EU, thời gian qua, Mỹ Latin cũng tăng cường hợp tác với ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Iran...
Theo CEPAL, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm 2022 tăng 55,2% so với năm trước đó, lên mức kỷ lục là hơn 224 tỷ USD, trong khi kể từ năm 2013, dòng vốn FDI chưa từng vượt mức 200 tỷ USD. Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng ngoạn mục vốn đầu tư nước ngoài là nhờ những nỗ lực đẩy mạnh kết nối với các đối tác suốt thời gian qua.
Sau một năm 2023 nhiều thách thức, vẫn còn nhiều gian truân chờ đợi khu vực Mỹ Latin phía trước. Thư ký điều hành CEPAL Jose Manuel Salazar-Xirinachs khuyến nghị các quốc gia nên quan tâm đến chính sách thúc đẩy sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, củng cố cơ sở hạ tầng, hậu cần và nâng cao năng lực địa phương. Cùng với đó, để đạt được những tiến bộ đáng kể, khu vực này cần tiếp tục tăng cường kết nối với các đối tác, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới để mang lại lợi ích cho các bên, huy động nguồn lực phát triển khu vực.
HẢI CHÂU