Đại diện các Sàn thương mại điện tử hướng dẫn quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trên “Gian hàng Việt trực tuyến”. Tham gia Hội nghị có đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); lãnh đạo các sở, ban, ngành; 30 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong tỉnh và các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh: Để thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, việc đồng hành, đưa các sản phẩm của Quảng Ninh lên các sàn thương mại điện tử là rất cần thiết.
“Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử được cho là điểm sáng mới trong những nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất Việt mở rộng kênh phân phối, phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số.
Gian hàng sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung tạo được sự kết nối thị trường trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững. Từ đó, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân trong nước cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa và góp phần mạnh mẽ vào việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất đã được nghe giới thiệu về giải pháp, gói hỗ trợ tài chính và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; giới thiệu về ứng dụng QR Code trong quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các đại biểu tham dự cũng đã lắng nghe ý kiến và giải đáp một số nội dung quan tâm của các doanh nghiệp, HTX về nội dung: thủ tục, chính sách và phương thức, cách thức thực hiện bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”.
Nhân dịp này, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Sở Công Thương Quảng Ninh đã thực hiện ký thỏa thuận kết nối thương mại điện tử; trao thỏa thuận phân phối hàng hóa trên “Gian hàng Việt trực tuyến” giữa các doanh nghiệp sản xuất OCOP và Sàn thương mại điện tử.
Năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; 100% đơn vị sản xuất có sản phẩm mới được đào tạo, tập huấn, tư vấn để dự thi đánh giá và xếp hạng. Ban Xây dựng NTM tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được chứng nhận sao, đồng thời phân hạng thêm ít nhất 40 sản phẩm đạt từ 3-4 sao, trong đó có ít nhất 1-2 sản phẩm đạt 5 sao để dự thi cấp quốc gia.
Trên cơ sở đó, toàn tỉnh phấn đấu đưa thêm ít nhất 10 sản phẩm OCOP tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh; 90% sản phẩm được dán tem điện tử, có mã số, mã vạch. Một trong những mục tiêu trọng tâm năm nay là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức kinh tế, phát triển thêm ít nhất 10 tổ chức kinh tế. Từ đó, chương trình OCOP tiếp tục là động lực phát triển KT-XH địa phương, thành phần thiết yếu của chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Vũ Mạnh Khôi