Với sân khấu, tôi là dân “ngoại đạo” nhưng rất yêu thích loại hình nghệ thuật này. Hồi trẻ là học sinh, sinh viên cũng đã từng mê diễn kịch và chuyển thể một số truyện ngắn trong chương trình học thành tiểu phẩm rồi đưa lên sân khấu. Vậy nên bây giờ cứ thấy đâu có diễn các chủng loại sân khấu là tìm đến xem. Vừa rồi, Sân khấu Lệ Ngọc trình diễn vở kịch Lôi Vũ của nhà viết kịch Trung Quốc Tào Ngu có mời tôi đến xem. Được biết đạo diễn vở này là Quỳnh Mai – cái tên tôi từng được nghe, lại càng hứng thú.
NSND Hoàng Quỳnh Mai
Trước giờ mở màn, một người bạn làm nghề sân khấu ngồi bên cạnh tôi nói nhiều về chị Quỳnh Mai với những bình phẩm tốt đẹp. Ông bạn nhắc đến nhiều vở chị đạo diễn được các giải thưởng trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn như thế nào. Rồi nhắc đến việc chị được tôn vinh trên báo, đài, tivi ra sao. Tôi không mấy để tâm bởi với tôi, phải trực tiếp thẩm định, cảm nhận chứ không phụ thuộc vào bất cứ lời đánh giá nào dù đó là của ai. Bởi tôi không lạ gì những thứ giải thưởng này nọ. Có nhiều trường hợp xứng đáng mức giải, cũng không ít trường hợp ngược lại. Giám khảo không phải lúc nào cũng khiến người ta tâm phục, khẩu phục.
Lúc xem Lôi Vũ, tôi chưa gặp Quỳnh Mai, càng không biết gì về chị. Nhưng Lôi Vũ trên sân khấu hôm ấy đã thực sự lôi cuốn tôi khiến tôi không thể không ngưỡng mộ người dàn dựng. Cũng bởi vì khả năng diễn xuất của dàn diễn viên ở Sân khấu Lệ Ngọc và sức thuyết phục của đơn vị sân khấu này tôi đã được biết qua nhiều vở trước đó.
Xem xong, tôi thấy rõ tài năng của đạo diễn vở này đáng phải ghi nhận. Trước hết là khả năng am hiểu sâu sắc tác giả Tào Ngu và bối cảnh xã hội Trung Quốc những năm 30 của thế kỷ trước. Sau đó là khả năng rút gọn kịch bản vì từ vở gốc có thời gian diễn hơn 4 giờ nay chỉ còn 2 giờ, buộc đạo diễn phải cắt đi hơn một nửa dung lượng. Điều này đòi hỏi phải có sự cân nhắc, đắn đo thật kỹ và phải thâu tóm thật chắc ý đồ của tác giả kịch bản mà lại không thể trao đổi như thông thường do tác giả đã qua đời từ lâu. Để cho vở diễn phù hợp với tâm lý người Việt Nam, lại phải làm mới và xử lý lại cái kết vở cho có “hậu” để giảm bớt tính quá bi thảm, thê lương của vở gốc.
Rất có cảm tình với người nữ đạo diễn, tôi đã gọi điện thoại cho Quỳnh Mai để hỏi thêm về quá trình dựng Lôi Vũ. Một giọng nói thật nhẹ nhàng, đầy nữ tính cất lên. Trong khoảng dăm phút nói chuyện, tôi có ấn tượng về chị là người khiêm nhường, tế nhị, nhưng cũng rất tự tin, tỏ ra rất có bản lĩnh nghệ thuật.
Thế rồi sau khi có bài báo của tôi viết về sự xuất hiện vở Lôi Vũ trên Sân khấu Lệ Ngọc, tôi hẹn gặp chị để tặng tờ báo. Lúc ấy, chị đang triển khai dàn dựng một vở mới cho Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Tranh thủ ít phút giải lao, chúng tôi gặp và nói chuyện ngay trong phòng tập bởi chị không có thời gian khác với lịch tập kín mỗi ngày 3 buổi. Nhìn chị, tôi đoán chừng ở tuổi trên dưới 50 chút ít. Sự vất vả, bận bịu của một người phụ nữ cùng lúc vừa dàn dựng cho nhiều nơi, lại phải đảm đương trách nhiệm Phó Giám đốc ở Nhà hát của mình đã in hằn dấu vết lên gương mặt vốn dĩ có nhiều nét đẹp của chị. Tôi nhận ra vẻ đẹp thanh tú, duyên dáng và kín đáo, đoan trang thời thanh xuân của người nữ đạo diễn nay vẫn còn ẩn hiện nơi nụ cười và đôi mắt biết nói mỗi khi chị nói chuyện.
Suýt nữa thì Quỳnh Mai trở thành phóng viên nếu ngày thi đại học mấy chục năm trước không bị sốt. Vì vậy mà làm bài thi không được như ý, bị thiếu mất nửa điểm nên không thể đỗ đại học. Hồi học cấp 3, chị học tại Trường chuyên văn Phan Bội Châu (ở Vinh, Nghệ An). Cô nữ sinh mơ mộng, lãng mạn, theo đuổi nghiệp văn chương không thành bèn chuyển sang học nghệ thuật sân khấu để thành diễn viên.
Có lần chị nhớ lại cái ngày cứ suy nghĩ mãi để lựa chọn hướng nghiệp khi ấy và nói một cách thật hồn nhiên: “Thôi thì không làm được phóng viên thì làm diễn viên vậy, đều cùng có chữ “viên””. Một câu nói quá... ngây thơ, có phần ngây ngô nhưng đáng yêu vì cô học sinh trung học lúc đó không hề biết rằng làm diễn viên khó hơn phóng viên nhiều. Ai vào học trường văn chương, báo chí ra thì đều làm được phóng viên trong khi vào trường nghệ thuật sân khấu thì không phải ai ra cũng trở thành diễn viên làm được nghề.
Kể cũng thật độc đáo. Thời nay có cô gái trẻ lại mê cải lương rồi thi vào trường nghệ thuật sân khấu để ra làm diễn viên bộ môn này. Cô đã làm diễn viên 8 năm với nhiều vai cũng có thể trụ tốt được trên sân khấu. Nhưng Quỳnh Mai chưa thỏa sức sáng tạo mà phải làm đạo diễn mới có thể vẫy vùng giữa bầu trời sân khấu mênh mông, rộng lớn. Và rồi số phận đã chiều theo cô. Nghề đạo diễn như đã chọn cô.
Ngay từ vở đầu tiên cô đạo diễn đã gây tiếng vang, nhanh chóng khẳng định chỗ đứng trong giới sân khấu cả nước. Lại cũng độc đáo nữa là lẽ ra một nữ đạo diễn trẻ thì sẽ phù hợp với việc dàn dựng kịch nói hơn là kịch hát truyền thống. Vậy mà cô lại rất sở trường với thể loại này. Mãi tới vừa qua, sau hơn 30 vở kịch hát cô dàn dựng, nay mới làm vở đầu tiên là kịch nói với vở Lôi Vũ như đã nói.
Quỳnh Mai tỏ ra rất có duyên với nghề đạo diễn kịch hát khi chủng loại nào cũng bảo rằng chị phù hợp nhất. Tuồng, chèo, cải lương đều nói chị sở trường nhất với mình chứ không phải ở thể loại kia. Giờ đây sang kịch nói với vở đầu tiên là Lôi Vũ, tôi lại cũng nói chị sở trường nhiều với loại kịch này. Như vậy có nghĩa chị toàn diện, đa năng ở tất cả các thể loại sân khấu. Quả là ở Việt Nam, từ trước đến nay chưa có nữ đạo diễn nào đạt được như vậy.
Làm diễn viên đã vất vả. Làm đạo diễn còn vất vả hơn gấp bội phần. Ngoài năng lực tổng hợp (phải am hiểu nhiều thứ: văn học, âm nhạc, hội hoạ, múa) đã đành, còn phải có sức khoẻ như nghề thể dục thể thao. Quỳnh Mai lại có tạng người mày tơ liễu yếu. Nhưng chị đã lăn lộn với sân khấu như một nam nhi khỏe mạnh, xốc vác. Nhiều khi ăn ngủ thất thường. Nhai bánh mì ngay tại phòng tập. Buồn ngủ quá có khi lăn ra cạnh cánh gà chợp mắt. Lúc bình thường chị yểu điệu, rất nữ tính thì lúc làm việc với diễn viên khi dựng vở, chị lam lũ, trông vất vả như một người lao động chân tay. Thời gian có mặt ở nhà cùng chồng con chẳng đáng bao nhiêu so với lúc vắng nhà, miệt mài trên sàn diễn và rong ruổi trên các nẻo đường để di chuyển tới các đoàn, nhà hát ở khắp mọi nơi.
Tôi cứ thầm nghĩ: Giả dụ mình có người vợ như chị, dẫu có xinh đẹp, đáng yêu, hoàn mỹ, tuyệt vời đến mấy mà quá ít thời gian dành cho mình thì kể cũng khó cưỡng lại được sự vẫy gọi của một trái tim khác. Cũng thật may, người bạn đời của chị do cũng là dân sân khấu nên đã rất thông cảm với vợ, lại còn động viên chị làm việc, sáng tạo. Vậy là cái số Quỳnh Mai “hên” đủ đường. Sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của gia đình đã là một động lực vô cùng quan trọng để chị gặt hái được nhiều thành quả.
Có lần tôi xem được chương trình Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu chị. Chị xuất hiện thật đáng yêu với phong thái rất dịu dàng, đoan trang, tươi tắn, giọng nói dịu nhẹ, gương mặt tươi sáng. Chị trả lời mọi câu hỏi của người dẫn chương trình thật tự nhiên, thông minh, đầy sức thuyết phục với phong thái thật đồng hoà, gần gũi. Chị mềm mỏng, khiêm nhường, thể hiện rất biết mình, biết người. Tôi tâm đắc điều chị nói: Hãy luôn tự nghĩ mình như quả ổi còn xanh và trăng tối ngày 13. Tức ổi chưa chín và trăng chưa ở ngày sáng nhất. Có nghĩa vẫn còn có phía trước, còn phải phấn đấu tiếp.
Ở giai đoạn sung mãn nhất trong công việc sáng tạo nghệ thuật, phía trước Quỳnh Mai vẫn đang là một chân trời rất rộng mở chờ đón chị đi tiếp. Sáng tạo không bao giờ có điểm tận cùng. Chúc chị luôn rong ruổi trên con đường mình đã lựa chọn và gặt hái được thêm nhiều hoa thơm, trái ngọt.
Thôn Ca