Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo đại học và sư phạm.
Theo báo cáo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 15 trường đại học sư phạm; 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù; 20 trường cao đẳng sư phạm; 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.
Phó Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Anh Dũng cho biết, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.
Trong số các cơ sở giáo dục đại học có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia (5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia); khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở giáo dục đại học tư thục, bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo dự thảo Quy hoạch, tới năm 2030, phát triển thêm ba đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.
Đại học vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng. Tới năm 2030, phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường đại học Vinh, Trường đại học Nha Trang, Trường đại học Tây Nguyên và Trường đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.
Các đại học vùng chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.
Trước vấn đề quy hoạch này, nhiều trường đại học mong muốn trở thành đại học trọng điểm. Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội, GS Nguyễn Hải Nam nhất trí với nội dung và định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo Quy hoạch.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Hải Nam khẳng định: Dược học là ngành học rất quan trọng, toàn quốc chỉ duy nhất một trường đại học chuyên ngành dược. Đào tạo dược học có vai trò hết sức quan trọng và là nơi đào tạo giảng viên cho các trường có đào tạo ngành dược. Vì vậy, đề nghị trong danh sách đại học trọng điểm quốc gia có bổ sung thêm Trường đại học Dược Hà Nội.
Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên PGS,TS Trần Thanh Vân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét bổ sung đưa Đại học Thái Nguyên vào danh mục quy hoạch thành đại học trọng điểm quốc gia trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương Phạm Thu Hương mong muốn việc lựa chọn, đầu tư trường trọng điểm cần bảo đảm được nguyên tắc không tạo nên sự bất bình đẳng trong phát triển giáo dục đại học và căn cứ vào chất lượng đầu ra, khả năng huy động nguồn lực của cơ sở.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo liệt kê các trường vào quy hoạch trọng điểm, cần đưa ra các điều kiện cụ thể để có thể trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng những tiêu chí cụ thể để trường nào đạt sẽ được đưa vào.
Về việc này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn đưa vào quy hoạch càng nhiều trường càng tốt. Cả hệ thống giáo dục đại học của chúng ta phải được đầu tư chứ không phải chỉ một số trường trọng điểm. Thế nhưng nếu chúng ta đề xuất nhiều thì không còn là trọng điểm nữa, vì nguồn lực của nhà nước đầu tư là có hạn. Dự kiến tuần tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các bộ, ngành về vấn đề này.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo quy hoạch đồng thời sẽ làm chặt chẽ mục đích, mục tiêu của các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí. Những trường chưa được đưa vào danh sách trọng điểm ngành quốc gia không có nghĩa là không được đầu tư. Ở đây là trọng điểm quốc gia, còn từng ngành, từng bộ có thể đề xuất trọng điểm của ngành, của lĩnh vực mình." Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.