Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Bởi thời gian qua, ngành NH đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí… nhưng nhiều DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, áp lực chi phí nợ vay NH dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho biết hiện các DN xuất khẩu trong ngành đang vay vốn NH thương mại với lãi suất từ khoảng 6%-7,5%/năm. Mức lãi suất này dù đã giảm nhưng nếu so với độ khó khăn của DN thì vẫn là áp lực lớn, bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, để có được lợi nhuận 7%-10% trong năm nay là rất khó. Chưa kể vừa qua, chỉ có 16/42 NH thương mại cam kết giảm lãi vay trong khi rất nhiều NH vẫn thu đủ lãi suất và chuyển nhóm nợ khi DN gặp khó hoặc ngừng giải ngân mới khi DN cần dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh.
“Do đó, nếu có gói cấp bù lãi suất từ ngân sách để giúp lãi suất cho vay giảm còn khoảng 4%/năm và NH thương mại triển khai trực tiếp tới các DN sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch là cần thiết. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm thông qua gói này để triển khai, với quy trình hướng dẫn cụ thể cho các NH thương mại giúp DN được hưởng lãi vay giảm thực chất, có thể ưu tiên cho khu vực DN bị thiệt hại nặng nề trong dịch ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…” – ông Phạm Văn Việt kiến nghị.
Nói về việc hỗ trợ lãi suất, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính – Marketing) nhắc lại năm 2009, một số DN thừa tiền nhưng vẫn tranh thủ chính sách cấp bù lãi suất của nhà nước để vay vốn NH, rồi gửi vào NH thu về lợi nhuận, khiến việc hỗ trợ lãi suất bị méo mó. Sau đó, NH Nhà nước tiến hành kiểm tra, phát hiện việc cho vay không đúng đối tượng, buộc các DN đó phải hoàn trả số tiền cấp bù lãi suất.
Theo ông Thuận, hiện nay, các NH cho vay với lãi suất 6%-8%/năm. Như thế, nếu nhà nước ban hành chính sách cho vay với lãi suất 3%-4%/năm, tức ngân sách nhà nước phải bù đắp cho ngân hàng 3-4 điểm % lãi suất. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ lãi suất cho vay 3-4%/năm không lặp lại bài học của năm 2009, các NH phải khảo sát, kiểm tra chặt chẽ DN có thật sự thiếu tiền hay không để cho vay đúng địa chỉ. Đồng thời, NH không nới lỏng điều kiện cho vay. Bởi, số tiền mà nhà nước bù đắp lãi suất được lấy từ ngân sách. NH cho vay phải có trách nhiệm bảo đảm thu hồi được vốn, không để thất thoát nguồn lực tài chính nhà nước.
Tại tọa đàm về “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước – thông tin gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng tương đương quy mô dư nợ tín dụng hơn 100.000 tỉ đồng sẽ được ngành NH triển khai ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, DN. Các cơ chế chính sách được xây dựng phải tính toán 2 mục tiêu, trong đó quan trọng là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Ngành NH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành xây dựng kịch bản chương trình nếu triển khai gói hỗ trợ này. Và quan điểm của NH Nhà nước thời điểm này cũng cần thêm gói hỗ trợ cho cộng đồng DN và người dân khôi phục sản xuất, bên cạnh những chính sách đang triển khai” – ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Theo NLD