Ngày 19/5, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã được trang trọng tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Với các tác giả được vinh danh những tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, Giải thưởng là niềm hạnh phúc vô giá trong cuộc đời.
NSND Nguyễn Thước là một trong số hàng chục tác giả nhận giải thưởng Nhà nước với phim tài liệu “Không chỉ là thương hiệu”, “Đất lạnh”, “Cỏ xanh im lặng”.
Tuy nhiên, đã hơn 4 tháng trôi qua, NSND Nguyễn Thước cùng các văn nghệ sỹ vẫn chưa nhận được tiền thưởng của Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, NSND Nguyễn Thước cho hay ông, đúng như phản ánh, ông và nhiều tác giả được nhận giải cảm thấy thiếu sự tôn trọng, nên nhiều người đã gửi phản ánh tới Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, về việc chi trả tiền thưởng cho các tác giả được vinh danh, ngay từ sớm, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai các bước phối hợp theo đúng quy trình; có công văn báo cáo cấp có thẩm quyền và các Bộ, ngành liên quan nhằm sớm thực hiện thủ tục chi trả tiền thưởng cho các tác giả sau khi được vinh danh.
Mức thưởng hiện nay của Giải thưởng Hồ Chí Minh là 270 lần lương cơ sở, của Giải thưởng Nhà nước là 170 lần. Bộ VHTTDL đã rà soát và tổng hợp dự toán đề nghị Bộ Tài chính xem xét, bổ sung kinh phí năm 2023 tiền thưởng xét tặng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước
Ngày 22/6, Bộ VHTTDL có Công văn số 2488/BVHTTDL- KHTC gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo kinh phí tiền thưởng xét tặng Giải thưởng. Công văn nêu rõ, căn cứ Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ: “Tiền thưởng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT được bố trí trong kinh phí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật”, Bộ VHTTDL đã gửi Công văn đề nghị Bộ Tài chính bổ sung dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 để chi trả tiền thưởng cho các tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT (đối với các hồ sơ do Bộ VHTTDL trình Hội đồng cấp Nhà nước).
Việc chi tiền thưởng cho các tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng các Giải thưởng còn lại do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT chịu trách nhiệm chi tiền thưởng cho các tác giả, đồng tác giả.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hồ sơ gửi kèm danh sách tác giả nhận thưởng thuộc các Hội VHNT đặc thù như Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không có cá nhân, tập thể thuộc Bộ VHTTDL. Điều này chưa đảm bảo quy định của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ VHTTDL bổ sung báo cáo danh sách tên cá nhân nhận thưởng kèm theo tên đơn vị, cơ quan tương ứng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo quy định.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Bộ VHTTDL nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính tại các văn bản trước đó về việc chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; trên cơ sở đó hoàn thiện đề xuất gửi Bộ Tài chính, thời gian trước ngày 30/9/2023.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã tiếp tục khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo việc chi trả tiền thưởng nhanh nhất.
“Sáng 28/9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những nội dung này. Theo đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo các thủ tục hành chính liên quan cần được khẩn trương rút gọn, sớm trình Chính phủ cấp tiền khen thưởng cho các tác giả, đồng tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh” – thông cáo của Bộ VHTTDL nêu rõ.
Thông qua sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài sự vướng mắc trong thủ tục cần được tháo gỡ kịp thời, các Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính, các cá nhân có liên quan cần phải rút kinh nghiệm và cần có giải pháp chấn chỉnh triệt để, không để xảy ra thiếu sót tương tự.
Trong đó, Bộ VHTTDL cần nghiêm túc nhìn nhận và phải chịu trách nhiệm trước tiên vì đây là đơn vị đại diện, đứng ra tổ chức sự kiện. Suốt một thời gian dài, sau khi trao giải thưởng, các tác giả không nhận được tiền thưởng, Bộ VHTTDL – là đầu mối liên hệ với các tác giả suốt quá trình trước, trong khi trao giải – cũng không có động thái trao đổi, chia sẻ và phối hợp giải quyết sự việc cho thấu đáo.
Như lời Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, ngay từ sớm, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai các bước phối hợp theo đúng quy trình…
Chuẩn bị từ sớm, vậy tại sao suốt thời gian dài, các tác giả được vinh danh không nhận được tiền thưởng kịp thời?
Hoặc, có thể đúng là Bộ đã chuẩn bị từ sớm, nhưng khi gặp vướng mắc, Bộ VHTTDL đã không quyết liệt đề xuất, phối hợp giải quyết.
Chỉ đến khi các tác giả bức xúc lên tiếng, Bộ mới rốt ráo có công văn, trao đổi và trấn an dư luận. Các văn nghệ sĩ tiêu biểu nhất của đất nước, đã có nhiều cống hiến, đóng góp và họ xứng đáng được vinh danh, được Đảng, Nhà nước tôn vinh, trao cho những phần thưởng danh giá.
Tuy nhiên, chỉ vì sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm đến cùng của một số cơ quan, trong đó có Bộ VHTTDL khiến cho mục đích, ý nghĩa của giải thưởng phần nào bị ảnh hưởng không đáng có. Và như ông cha ta dạy: “của cho không bằng cách cho”!
Cơ quan quản lý văn hóa, người làm văn hóa, trước tiên phải nêu cao tính văn hóa, từ trong ứng xử đơn giản nhất! Đây chính là nền tảng, là cơ sở để dẫn dắt, nêu gương cho các cơ quan trong cả nước, cho mỗi người dân xây dựng đời sống văn hóa, từ đó tạo “sức mạnh mềm” phát triển đất nước bền vững, như Đảng ta mong đợi!
Nguồn: Báo Kiểm toán